Đô thị thông minh, doanh nghiệp chưa vào cuộc

Trên cả nước hiện đã có cả chục thành phố xây dựng đề án thành phố thông minh, nhưng đến nay, đa số các đề án này vẫn còn trên giấy do gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, hoặc chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia.

Để xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh, thì điều cần làm là khắc phục được tình trạng kẹt xe, ngập nước

Lợi ích thấy rõ

Theo báo cáo cập nhật nhất của Liên Hợp quốc, 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các thành phố. Nghiên cứu cho thấy, đến năm 2050, tỷ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị).

Vì vậy, xây dựng “đô thị thông minh” (Smart City) trở thành một xu thế tất yếu nhờ vào khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị.

Theo TS. Ðào Ngọc Nghiêm, chuyên gia quy hoạch, đô thị thông minh là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để mang lại cho người dân không gian đô thị bền vững, môi trường sống an toàn, tiết kiệm.

Còn ông Ðoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Công ty Regal Motor Cars cho rằng, đô thị thông minh phải là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người.

“Dưới góc độ doanh nghiệp, nếu việc ứng dụng công nghệ có thể giúp chúng tôi tương tác với chính quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thì đó là điều rất tuyệt vời”, ông Minh nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đô thị thông minh sẽ liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội, giúp thành phố quản lý điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực. Việc xây dựng đô thị thông minh sẽ cùng lúc đạt hai mục đích lớn là hiện đại hóa đô thị và sử dụng những công cụ mà đô thị thông minh tạo ra để giải quyết mọi vấn đề phát sinh của đô thị một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, mỗi đô thị là một thực thể sống khác nhau, vậy nên, có thể xây dựng một đô thị thông minh với rất nhiều cấp độ và cách thức khác nhau. Có đô thị, như TP. Kansas ở bang Missouri của Mỹ chú trọng phát triển khu tập trung cho các công ty công nghệ khởi nghiệp dọc theo một tuyến xe điện dài 4 km xây mới, nên đã ưu tiên lắp đặt nhiều loại cảm biến giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đèn đường LED. Đó là một “con đường thông minh” được nhiều người công nhận.

Ở mức độ toàn diện hơn, Singapore vừa vượt qua Dubai (UAE) và London (Anh) để trở thành thành phố (thực chất cũng là quốc gia) thông minh nhất thế giới, theo Báo cáo đánh giá thành phố thông minh của ABI Research, công bố hồi tháng 5 vừa qua.

Singapore đạt điểm số cao nhất về tiêu chí sáng tạo; các hệ thống giao thông tự động và năng lực giải quyết các vấn đề đô thị liên quan đến mật độ dân cư đông đúc (tắc nghẽn giao thông, chất lượng không khí, dịch vụ y tế, giáo dục)…

Dubai xếp thứ hai trong bảng xếp hạng này cũng vượt trội về tiêu chí sáng tạo và đặc biệt hướng tới mục tiêu xử lý tất cả các giao dịch Chính phủ bằng công nghệ blockchain vào năm 2030…

Vậy Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng và các đô thị khác của Việt Nam đã xây dựng hoặc công bố đề án thành phố thông minh nên xây dựng thành phố thông minh như thế nào?

Theo các chuyên gia, tuy có nhiều điểm tương đồng với Singapore, nhưng trong khi “quốc đảo sư tử” dành ưu tiên cho việc giải quyết ô nhiễm không khí (do cháy rừng, hoạt động núi lửa ở Indonesia) và sự già hóa dân số, thì TP.HCM cần ưu tiên giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông, ngập lụt do triều cường… Có xác định được mô hình, mức độ phát triển, tính lan tỏa cho từng đô thị thông minh, thì mới có thể xây dựng được thành công.

Nhưng khó thực hiện

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng các thành phố thông minh hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, dẫn đến những hậu quả như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải, ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, chi phí triển khai lớn, nguy cơ thiếu hụt nhân lực về công nghệ thông tin cũng là những hạn chế đang cản trở quá trình này.  

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết, 3 năm trở lại đây, có rất nhiều hội thảo khoa học về đô thị thông minh, thành phố thông minh. Trong các hội thảo đó, các doanh nghiệp cũng giới thiệu nhiều sáng kiến, phần mềm hay, thậm chí lợi ích về đô thị thông minh mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, các sáng kiến này chỉ mới ở dạng lý thuyết, chưa được áp dụng vào thực tiễn.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, khi triển khai áp dụng các giải pháp, sáng kiến thành phố thông minh gặp nhiều khó khăn, như kinh phí quá lớn; khả năng kết nối thông tin giữa các đơn vị; khung chính sách, cơ chế khuyến khích và nguồn nhân lực đều còn hạn chế.

Tại hội nghị công nghệ 4.0 diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội là một siêu đô thị với gần 10 triệu dân, 600.000 ô tô và 6 triệu xe máy, nhưng chỉ số hạ tầng thấp, giao thông yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thành phố thông minh. Những vấn đề về các siêu đô thi hiện nay là vấn đề phát triển nóng, quá trình đô thị hóa và tăng dân số cơ học cao… Đặc biệt, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực chất xám cao cấp và chi phí.

Bà Becky Võ, Giám đốc Quốc gia, Khối Công nghệ tòa nhà, Bosch khu vực Việt Nam, Campuchia và Myanmar cũng cho biết: “Khái niệm thành phố thông minh rất to lớn và bản thân chúng ta cũng đang tìm thành phố thông minh là như thế nào, công nghệ sẽ giúp cho thành phố thông minh như thế nào. Người ta thường nói là làm mới thì dễ, nhưng để thay đổi những hiện trạng đang diễn ra thì khó. Chẳng hạn, hiện trạng giao thông Hà Nội và TP.HCM đang là vấn đề bức bối. Vậy có 2 vấn đề là hạ tầng cơ sở vật lý và ý thức của người dân và đây là 2 vấn đề rất khó thay đổi trong một sớm một chiều”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chia sẻ: “Nói về đô thị thông minh rất hay, nhưng vấn đề là triển khai như thế nào, bắt đầu từ đâu, từ ứng dụng gì, dịch vụ gì”.

Ở góc độ khác, ông Vũ Đức Kiên, Giám đốc chiến lược VNPT- IT cho biết, quá trình xây dựng đô thị thông minh là quá trình chuyển đổi số cho một đô thị và nó cũng phải đi qua các bước cơ bản, như cần phải khảo sát hiện trạng đô thị đó, xác định mức độ ưu tiên và dựa vào nguồn lực tài chính của đơn vị đó.

Ở một số nước trên thế giới, họ tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Chẳng hạn, với chiến thuật mỏ neo, tức là bám vào những thế mạnh của đơn vị đó để xây dựng trước, sau đó xây dựng các chương trình tiếp theo, phù hợp với những đơn vị như Phú Quốc, Đà Lạt có thế mạnh về du lịch.

Trong khi đó, chiến thuật phát triển một nền tảng đầy đủ trước sẽ phù hợp với những đô thị có tiềm lực tài chính như Hà Nội và TP.HCM.

Chiến thuật thứ ba mang tính thử nghiệm là chiến dịch quả mít. Tức là thử nghiệm tất cả các ứng dụng để xem cái gì tốt nhất, phù hợp nhất và loại bỏ những cái không ổn để có hướng xây dựng, lộ trình phát triển đô thị thông minh.

Ông Phúc cho rằng, đầu tiên là phải xác định được nên bắt đầu từ đâu. Nói về ứng dụng thông minh thì rất nhiều, nhưng chọn dịch vụ mang lại hiệu quả ngay, người dân cảm nhận được ngay lợi ích của dịch vụ không phải dễ.

“Ví dụ như dịch vụ phản ánh hiện trường như rác thải, trật tự đô thị, giao thông…., khi phát hiện sai phạm, người dân chỉ cần chụp ảnh gửi lên là có người đến xử lý ngay. Do đó, người dân sẽ thấy ngay được lợi ích và vai trò của mình”, ông Phúc cho hay.

Vì vậy, cần nhận diện, phân tích những khó khăn đặt ra cho kế hoạch đô thị thông minh, rút kinh nghiệm từ người đi trước để quá trình triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam suôn sẻ hơn, đạt được những kết quả như kỳ vọng.